Đền chùa An Lạc xã Giao Thiện
Di tích lịch sử- văn hóa Đền chùa An Lạc xã Giao Thiện Địa chỉ: Thôn Chí Thiện, xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định
Lịch sử  khẩn hoang vùng đất Giao Thủy- Nam Định ghi nhận hai đợt tiến hành khẩn hoang với quy mô lớn. Lần thứ nhất diễn ra vào cuối thế kỷ XV, dưới thời vua Lê Thánh Tông và lần thứ hai dưới thời Nguyễn diễn ra vào những năm nửa đầu thế kỷ XIX. Đặc biệt dưới triều Nguyễn quá trình khai hoang lấn biển được triều đình rất chú trọng, nhà nước đã coi đây là một giải pháp quan trọng nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội, giải quyết được nạn dân không có ruộng đất bỏ đi lưu tán. Công cuộc khai hoang lấn biển ở thời này được đánh dấu bằng sự kiện Doanh điền Nguyễn Công Trứ lập ra tổng Hoành Thu vào năm 1828. Kế tục thành quả của Doanh điền Nguyễn Công Trứ, Phó bảng Đặng Kim Toán đã giúp dân tiến hành công cuộc khai hoang lập nên mảnh đất Lạc Thiện. Theo truyền thuyết tại địa phương và tư liệu “Từ đường biên ký” của dòng họ Trần biên soạn năm Nhâm Tý (1912) thì công cuộc khai hoang của cụ Phó bảng Đặng Kim Toán được ghi cụ thể như sau: “Năm Tự Đức thứ 10 (1857), Phó bảng Đặng Kim Toán về đây khai hoang mở đất. Năm Tự Đức thứ 13 (1860), lấy cột đá chôn để phân định mốc giới, tiến hành làm hộ tịch và cấp quân điền cho nhân dân. Thống nhất lấy tên đất, tên làng theo tên gọi cũ thuộc huyện Xuân Trường để đặt tên cho làng xã vùng đất mới. Công cuộc khai hoang lấn biển tạo dựng làng xã quê hương ở vùng đất mới Giao Thiện là do cụ Phó bảng Đặng Kim Toán khới xướng diễn ra từ năm 1857 đến năm 1860 thì hoàn thành. Một vùng đất rộng lớn, phì nhiêu màu mỡ hiện nay thuộc các xã: Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Thiện huyện Giao Thủy được hình thành và phát triển.


Toàn cảnh khu di tích

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chí Thiện là một xã độc lập thuộc tổng Lạc Thiện, huyện Giao Thủy, phủ Xuân Trường. Sau Cách Mạng Tháng Tám 3 xã Đông Thiện, Thiện Nguyên và Chí Thiện được hợp thành xã Tam Thiện. Đến tháng 8/1952, khi phong trào kháng chiến chống Pháp  của nhân dân địa phương đang diễn ra mạnh mẽ, Ủy ban kháng chiến hành chính huyện đã tiến hành quyết định sáp nhập 2 xã Thiện An và Giao Thiện thành xã Giao Thiện. Tháng 6/1956, thực hiện chủ trương cải cách ruộng đất của Đảng và Nhà nước, xã Giao Thiện lại được chia thành 2 xã Giao An và Giao Thiện. Từ đó đến nay Giao Thiện là một trong 22 xã, thị trấn của huyện Giao Thủy. Hiện nay trên địa bàn xã được chia thành 14 xóm (Từ xóm 16 đến xóm 30), đền chùa An Lạc thuộc xóm 20, gần trung tâm xã. Cách di tích Đền chùa An Lạc hơn 4km về phía Nam còn có Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước quốc tế Ramsar nên số lượng khách đến nghiên cứu tham quan di tích ngày càng nhiều. Hơn nữa, đền chùa An Lạc là công trình Phật giáo duy nhất của xã nên di tích có điều kiện thuận lợi để phát huy giá trị.

Tượng Quân âm trước chùa An Lạc

Đền Giao Thiện thờ Phó bảng Đặng Kim Toán- người có công khai hoang lấn biển, tạo dựng làng xã. Phó bảng Đặng Kim Toán là người con của quê hương Hành Thiện xã Xuân Hồng huyện Xuân Trường. Cuộc đời làm quan của ông còn gắn liền với công cuộc khai hoang lấn biển, hình thành nên vùng đất mới thuộc tổng Lạc Thiện phủ Xuân Trường và nay là các xã: Giao Lạc, Giao An, Giao Xuân, Giao Thiện thuộc huyện Giao Thủy. Do vây việc thờ tự tại di tích không chỉ thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của nhân dân địa phương mà còn mang ý nghĩa giáo dục cho thế hệ mai sau về công lao to lớn của tổ tiên trong việc dựng làng lập ấp.
Đền chùa An Lạc xã Giao Thiện còn là nơi thờ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, một vị tướng tài ba, nhà quân sự thiên tài của quốc gia Đại Việt thế kỷ XIII-XIV. Tín ngưỡng thờ Đức thánh Trần tại đây vừa để ghi nhớ công ơn, đồng thời lấy sự oai linh của Ngài làm chỗ dựa tinh thần bảo vệ cuộc sống nhân dân trong vùng.

Đền chùa An Lạc xã Giao Thiện được xây quay về hướng Đông Nam, trên một khu đất rộng 413m2. Phía trước là trục đường giao thông liên xã, bên phải là sông Phú Thọ (nối từ xã Giao Thanh đến cửa biển), bên trái và phía sau là khu dân cư.Tam quan được xây dựng cân đối gồm 3 cửa ra vào. Cổng giữa xây cao 3 tầng, hai tầng trên xây theo kiểu “cổ đẳng” hai lớp mái lợp giả ngói ống với các góc đao uốn cong mềm mại, hai cổng bên xây thấp hơn theo kiểu “nhà chè” tám mái gắn ngói nam, nối liền với tam quan còn có hệ thống tường bao xây bổ trụ, tạo thế khép kín. Tổng thể công trình kiến trúc đền chùa An Lạc xã Giao Thiện hiện nay gồm có các hạng mục: Chùa thờ Phật, đền thờ Đức thánh Trần và cụ Phó bảng Đặng Kim Toán, phủ mẫu, nhà tổ tăng phòng cùng nhiều các công trình bổ trợ khác.

Kiệu bát cống chùa An Lạc

Chùa Giao Thiện còn có tên gọi là “An Lạc tự”, đây là công trình thờ Phật duy nhất trong toàn xã. Chùa được xây dựng theo kiểu “tiền nhất hậu đinh” bái đường 5 gian và trung đường 5 gian. Bái đường xây cuốn và lợp ngói nam, nổi bật hơn cả là tòa trung đường với hệ thống lâu gác xây kiểu hai tấng tám mái.

Ngôi đền được xây bên trái của chùa, trên một nền đất cao. Công trình làm theo kiểu chữ "đinh", trước tiền đường có 5 khuông của cuốn vành mai, phía trên trang trí họa tiết “Lưỡng long chầu nguyệt”. Ba gian tiền đường xây cuốn mái trên gắn ngói nam, bờ nóc trang trí họa tiết lá lật, hai hồi xây bờ bảng, tại đây còn có trụ biểu nhấn câu đối ca tụng công lao của tiền nhân trong việc mở đất:

“Tiền nhân thử địa lưu thiên cổ

Hậu thế tân tu ký vạn niên”

(Tiền nhân mở đất lưu muôn thuở

Hậu thế tu tạo mãi nghìn năm)

Cửa 3 gian tiền đường làm bằng gỗ lim theo kiểu bức bàn. Trong tiền đường gian chính giữa treo bức đại tự có kích thước dài 2m, rộng 0,45m trên viết 4 chứ Hán”Quốc thái dân an”, gian bên trái là thờ cụ Phó bảng Đặng Kim Toán cùng các vị thủy tổ có công mở đất, gian trái thờ thổ địa.

Cung cấm của đền gồm hai gian, gian ngoài bên trên treo bức đại tự “Trần triều hiển thánh”, bên dưới đặt nhang án, bài vị thờ công đồng. Gian bên trong chính giữa đặt khám thờ Đức thánh Trần.








Khóa tu mùa hè chùa An Lạc

Từ bao đời nay di tích đình chùa An Lạc xã Giao Thiện không chỉ là nơi thờ cúng tri ân công đức của tiền nhân, mà tại đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Hằng năm tại di tích, nhân dân đã tổ chức nhiều ngày lễ liên quan  đến các vị thần, thánh như: ngày mất của Đức thánh Trần (20-8 âm lịch), ngày mất của cụ Phó bảng Đặng Kim Toán  (29-3 âm lịch) và ngày hội đầu xuân 20 tháng Giêng.

Trong các ngày lễ hội, cùng với nghi thức dâng hương và rước kiệu quanh làng, dân làng còn tổ chức nhiều trò chơi như: leo cầu ngô, Tổ tôm điếm…tạo nên không khí tưng bừng náo nhiệt. Đặc biệt vào ngày 20 tháng giêng (âm lịch) tại di tích, dân làng còn tiến hành nghi thức “yến lão”mang đậm giá trị văn hóa truyền thống. Đây là mỹ tục được nhân dân địa phương bảo tồn bao đời nay, một nét sinh hoạt văn hóa giàu truyền thống, giàu ý nghĩa được truyền lại trong dân thôn để bày tỏ sự kính trọng đối với người cao tuổi. Giai đoạn hiện nay truyền thống tôn trọng người cao tuổi luôn được dân làng duy trì và phát triển. Chắc chắn mỹ tục “yến lão” ở đây sẽ được bảo lưu và phổ biến tới nhiều địa phương khác, góp phần động viên lớp người cao tuổi “sống lâu, sống khỏe, sống có ích”, động viên con cháu hăng say làm việc  xây dựng quê hương Giao Thiện ngày thêm giàu đẹp.

Di tích Đền chùa Giao Thiện được hình thành và phát triển song hành cùng sự ra đời của quê hương. Chính tại nơi đây đã từng chứng kiến sự thăng trầm của lịch sử địa phương. Đặc biệt trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, di tích còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng.

Ngày 22.8.1945 tại Đền chùa Giao Thiện, Uỷ ban kháng chiến lâm thời của xã Chí Thiện được thành lập.

Ngày 6.1.1946 Đền chùa Giao Thiện là địa điểm cử tri địa phương tổ chức bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Trong những năm 1950-1956 hưởng ứng lời kêu gọi củ Hồ Chủ Tịch, Đền chùa Giao Thiện được chọn làm địa điểm tổ chức lớp học cho nhân dân.

Trong trận đánh “Tàu cạn” ở bãi Phú Hương diễn ra vào ngày 15.3.1953, Đền chùa Giao Thiện là nơi sơ cứu thương bện binh và tiếp nhận tử sỹ.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đền chùa Giao Thiện là nơi đưa tiễn hàng ngàn lượt người con quê hương lên đường đánh giặc bảo vệ Tổ Quốc; ngoài ra đây còn là kho chứa vũ khí đạn dược của các đơn vị bộ đội bảo vệ bờ biển.

Với tất cả những giá trị kiến trúc và ý nghĩa lịch sử to lớn đó, Đền chùa An Lạc xã Giao Thiện đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh vào năm 2005./.





Tin tức liên quan






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1