Giao Thiện đẩy mạnh phát triển kinh tế từ nuôi trồng thủy sản
Là một trong 5 xã thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy, xã Giao Thiện có tổng diện tích nuôi thủy sản hơn 1000 ha, trong đó có 150 ha thuộc vùng chuyển đổi nuôi tôm công nghiệp và trên 1000 ha thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy chủ yếu nuôi tôm theo phương thức quảng canh. Theo đánh giá, mỗi một ha nuôi tôm thu từ 3 – 5 tấn thủy sản và đạt mức thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi năm.


Khu nuôi trồng thủy sản xã Giao Thiện mỗi năm cho thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng

Giao Thiện là địa phương ven biển nên từ xa xưa người dân nơi đây đã biết dựa và khai thác tài nguyên do biển nuôi dưỡng. Cách đây khoảng 20 năm trở về trước các loài thủy hải sản gần như không có giá trị cũng đồng nghĩa với sự đầu tư cho phát triển thủy sản gần như không có. Tuy nhiên, khi đời sống nhân dân được nâng cao và hiểu được giá trị của các loài hải sản đem lại thì từ đây người dân miền biển không chỉ khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có mà còn tận dụng vùng bãi bồi cải tạo thành ao đầm nuôi trồng thủy hải sản có giá trị về dinh dưỡng cũng như kinh tế, đáp ứng với thị hiếu người tiêu dùng. Chính nhờ giá trị của biển đem lại mà mức sống của nhân dân trong xã cũng như những địa phương lân cận được nâng cao. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay đã có sự khác biệt rõ rệt, đó là năm 2015 mức thu nhập bình quân đầu người là 20 triệu đồng/người, thì năm 2017 Giao Thiện đang phấn đấu đạt 40 triệu đồng/người/năm.

Là một trong 5 xã thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy, xã Giao Thiện có tổng diện tích nuôi thủy sản là hơn 1000 ha, trong đó có 150 ha thuộc vùng chuyển đổi nuôi tôm công nghiệp và trên 1000 ha thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy chủ yếu nuôi tôm theo phương thức quảng canh. Những năm trước đây, hầu hết các diện tích nuôi trồng thủy sản ở Giao Thiện đều nuôi theo hình thức quảng canh, song được sự quan tâm của các cấp các ngành từ năm 2015, 150 ha thuộc xóm Tân Hồng đã được phê duyệt chuyển đổi từ nuôi quảng canh sang nuôi theo hình thức công nghiệp và đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi trồng. Trên cơ sở dự án được phê duyệt, các hộ nuôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng, tu bổ cơ sở hạ tầng, nguồn nước để phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thích ứng với biến đổi khí hậu.


Các hộ nuôi trồng thủy sản cải tạo ao đầm bước vào vụ nuôi mới

          Chúng tôi về xã Giao Thiện vào những ngày cuối tháng 4 được chứng kiến không khí sôi động của một vụ nuôi mới của người dân. Các hộ nuôi tôm ở đây cho biết: để chuẩn bị cho một vụ nuôi mới, những ngày qua họ đã tập trung cải tạo, vệ sinh ao đầm và lắp đặt, sửa chữa các quạt đảo nước tạo ôxy tại các ao nuôi để kịp thả lứa tôm giống đầu tiên của năm. Khác với các hộ nuôi trồng thủy sản ở đây, với diện tích 4 ha ông Trần Hữu Lợi ở xóm Tân Hồng - xã Giao Thiện là Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Lợi vừa sản xuất giống thủy sản với nhiều chủng loại như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá bống bớp, tôm càng xanh toàn lực, vừa nuôi trồng thủy sản. Hàng năm ông đều đầu tư các trang thiết bị như máy quạt nước, máy bơm, dụng cụ đo môi trường và một số dụng cụ thiết yếu khác, đồng thời thực hiện nuôi tôm thả đúng lịch thời vụ nên đã đem lại hiệu quả kinh tế trong nuôi thủy sản. Bình quân, mỗi một năm thu từ 20 – 25 tấn tôm thẻ chân trắng, 3 – 4 tấn tôm sú, khoảng 1 tấn cua biển và 3 - 4 tấn cá bống bớp, 1 tấn tôm càng xanh.

 
Ông Trần Văn Lợi - Công ty TNHH Vĩnh Lợi vừa sản xuất giống vừa nuôi trồng thủy sản trên diện tích 4 ha

Ông Lợi cũng cho biết thêm về việc sản xuất giống: “Trước đây ông chỉ sản xuất tôm thẻ chân trắng, song xuất phát từ nhu cầu nuôi thủy sản ở địa phương từ năm 2015 ông đưa vào sản xuất thêm cá bống bớp và tôm càng xanh toàn lực”. Với kinh nghiệm đã được tích lũy từ hơn chục năm nay kết hợp với tích cực áp dụng từ các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nên ông hiểu được đặc tính của từng loại thủy sản. Do vậy mà với con tôm càng xanh toàn lực sau khi nhân giống, ông đã thí nghiệm đưa vào nuôi ở cả 2 vụ hè và đông. Qua thời gian đưa vào sản xuất, đến nay bình quân mỗi năm gia đình ông Lợi sản xuất khoảng 70 - 80 triệu con giống, trong đó cá bống bớp từ 1,5 - 2 triệu con, tôm càng xanh 2 - 3 triệu con, cua biển 2 triệu con và tôm thẻ chân trắng, tôm sú mỗi loại sản xuất tới 20 - 30 triệu con giống. Những loại thủy sản giống này, ông chỉ giữ từ 20 - 40% tổng lượng giống sản xuất, số còn lại xuất bán cho các hộ nuôi trong vùng và các địa phương khác như ở huyện Hải Hậu, Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng, Hà Nội. Với sự mạnh dạn trong sản xuất giống cũng như nuôi thủy sản đã đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình ông, bình quân mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập từ 1,5 - 2 tỷ đồng. Đánh giá về việc nuôi trồng thủy sản tại địa phương, ông Trần Thanh Minh - Chủ tịch UBND xã Giao Thiện cho biết: với lợi thế là địa phương ven biển nên những năm qua nhân dân nơi đây đã bám biển phát triển thủy sản, nhất là mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó trong quá trình nuôi được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn phương pháp xử lý ao nuôi và cách phòng bệnh cho các loài thủy sản do đó đã có không ít người dân giàu lên từ biển như hộ ông Trần Hữu Lợi, ông Trần Văn Thành. Theo đánh giá với 75 hộ nuôi trồng thủy sản thuộc 150 ha vùng chuyển đổi do địa phương quản lý mỗi một ha nuôi tôm thu từ 3 - 5 tấn thủy sản và đạt mức thu nhập từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi năm. Riêng hơn 1000 ha nuôi quảng canh thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy, ở đây người dân chủ yếu nuôi tôm sú tự nhiên, thời gian nuôi dài ngày, mật độ thả thưa hơn so với nuôi công nghiệp song bù lại giá trị kinh tế cao, bình quân tôm thương phẩm khi xuất bán cũng đạt mức 360 - 370 ngàn đồng/kg, do vậy mỗi ha nuôi ở đây cũng đạt khoảng 500 - 700 triệu đồng/ha. 


Hộ ông Trần Hữu Lợi mỗi năm thu từ 20 – 25 tấn tôm thẻ chân trắng cùng các loại thủy sản khác 

  Hiện nay, tại vùng nuôi theo hình thức công nghiệp, trước khi vào vụ nuôi đều được xử lý và vệ sinh môi trường theo đúng quy trình, tuy nhiên nhiều năm trở lại đây thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, bão lũ, hạn hán kéo dài, đặc biệt là nhiệt độ gia tăng và lượng mưa thay đổi đột ngột làm cho độ mặn của nước tăng, giảm khó nắm bắt để xử lý khiến tôm không kịp thích nghi dẫn đến bị dịch bệnh, ảnh hưởng đến năng suất nuôi. Vì vậy, các ngành chức năng cần hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi trồng từ hoàn thiện hệ thống ao nuôi có thể ngăn không cho nước biển tràn vào đến điều chỉnh, kiểm soát độ pH của nước trong ao nuôi cho phù hợp. Bên cạnh đó, thức ăn sử dụng cho tôm phải đảm bảo chất lượng, an toàn, phù hợp với từng giai đoạn phát triển trong vụ nuôi, mật độ thả phải đảm bảo để việc quản lý, chăm sóc phù hợp và dễ dàng, cùng với đó hạn chế sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi... có như vậy mới duy trì được sự bền vững khi nuôi trồng. Về phía địa phương cũng cần có định hướng cụ thể cho nghề nuôi thủy sản, trong đó không chỉ khuyến khích người dân nghiên cứu tìm kiếm đưa những đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế nhằm đa dạng hóa con nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất , mà còn chủ động phối hợp mở thêm nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật, khuyến khích người nuôi áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, liên kết chặt chẽ với các cơ quan chức năng để chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho thủy sản, khuyến khích người nuôi liên kết tạo vùng sản xuất tập trung và đặc biệt coi trọng việc đảm bảo vệ sinh môi trường tạo cho lĩnh vực thủy sản phát triển bền vững, trở thành một trong những thế mạnh mũi nhọn của xã Giao Thiện trong những năm tiếp theo./.

                                                                                                Cao Nhung

                                                                                                                                   Đài phát thanh Giao Thủy
Tin tức liên quan






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1