Câu lạc bộ trống hội chùa An Lạc
Từ bao đời nay, tiếng trống hội ngày Xuân đã in sâu trong tiềm thức của mỗi người dân đất Việt. Trong các lễ hội, âm thanh hối hả, rộn ràng của tiếng trống như thúc giục nhân dân trong xóm ngoài làng tới dự hội. Theo nhịp trống, các trò chơi dân gian, truyền thống trở nên sôi động, rộn rã hơn. Chính vì vậy, câu lạc bộ Trống hội chùa An Lạc xã Giao Thiện đã được thành lập đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân.



CLB trống hội chùa An Lạc diễu hành tại Đại hội TDTT huyện Giao Thủy lần thứ VIII năm 2017


Trải qua bao thế hệ, lấy cảm hứng từ niềm vui của người nông dân mừng ngày hội mùa, những người dân lao động thôn Chí Thiện xã Giao Thiện đã sáng tạo, gìn giữ và phát triển nghệ thuật múa trống, đưa múa trống trở thành nét văn hóa đặc sắc, quen thuộc không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa thôn quê. Đại đức Thích Thanh Tòng- trụ trì chùa An Lạc đã có sáng kiến vận động thành lập Câu lạc bộ trống hội nữ xã Giao Thiện. Năm 2016, câu lạc bộ trống hội chùa An Lạc xã Giao Thiện được chính thức thành lập với 36 thành viên đều là nữ, tuổi đời từ 30 - 35 tuổi, đều làm nghề nông nghiệp và đã có gia đình. 
Khác với đánh trống thông thường, khi múa trống hội, tiếng trống được hòa quyện cùng với những điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng của những người biểu diễn. Động tác của cơ thể người biểu diễn được kết hợp hài hòa với nghệ thuật diễn xuất và nhạc đệm làm nên những nét văn hóa rất đặc trưng của nghệ thuật múa trống. Tuy nhiên, bên cạnh sự khéo léo, uyển chuyển, người múa trống còn phải có khả năng cảm nhận tốt và phải có sức khỏe dẻo dai. Bởi người múa trống cũng cần có những động tác mạnh mẽ, dứt khoát nên chị em phải tập luyện ròng rã cả mấy tháng trời. Mỗi bài trống hội thường biểu diễn trong khoảng 7-8 phút được chia thành 3 phần: phần đầu tái hiện buổi mở đất dựng làng; phần 2 thể hiện khí thế đánh giặc giữ nước; phần 3 phản ảnh sinh động giai đoạn xây dựng quê hương phát triển. Trong bài biểu diễn của CLB trống hội chùa An Lạc, phần mở đầu tiếng trống vừa uyển chuyển vừa biến hóa linh hoạt, thu hút sự chú ý của người nghe. Sau đó, tiếng trống từng hồi cấp báo giặc xâm lăng tàn phá, trống ngũ liên vang lên ban hiệu lệnh xuất quân thúc giục người người lên đường ra trận giữ yên bờ cõi. Phần kết của bài là tiếng trống khải hoàn, tiếng trống vui về non sông đất nước thái bình. 




CLB Trống hội chùa An Lạc biểu diễn phục vụ Đại hội TDTT huyện Giao Thủy lần thứ VIII năm 2017

Dù việc nhà nông bận rộn quanh năm, song chị em trong CLB vẫn tranh thủ những khoảng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi để say sưa tập luyện. Đặc biệt, các chị em trong CLB luôn có hậu phương vững chắc từ gia đình, được người thân ủng hộ, tạo mọi điều kiện để chị em có thời gian tham gia tập luyện. Niềm đam mê của các thành viên trong CLB trống hội chùa An Lạc được tiếp thêm sức mạnh bởi sự động viên, khích lệ rất kịp thời về vật chất và tinh thần của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã cùng những người con quê hương đang sống, làm việc khắp mọi miền Tổ quốc.
Giá trị văn hóa của tiếng trống hội được kết tinh từ hàng nghìn đời nay, mang đậm tính nhân văn, thể hiện ước nguyện hướng tới chân, thiện, mỹ trong đời sống tinh thần của người dân. Bởi vậy, gìn giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này chính là góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc và xây dựng văn hóa nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa bền vững của đất nước./.

 









Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1